Sau gần 2 năm khó khăn bởi dịch Covid-19, trước thông tin Trung Quốc sẽ cho sầu riêng xuất khẩu chính ngạch, doanh nghiệp tại Bình Phước đang tất bật ‘chạy nước rút’ chuẩn bị…
Doanh nghiệp “chạy nước rút”
Sầu riêng là loại cây trồng mới, đang phát triển nhanh ở Bình Phước. Công ty TNHH Minh Hàng tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng là một trong số ít doanh nghiệp của tỉnh Bình Phước đầu tư nhà máy chế biến và xuất khẩu sầu riêng một cách bài bản.
Ông Lưu Lý Hoàng, Giám đốc quản lý đầu vào của Công ty Minh Hàng cho biết, Công ty được thành lập vào 2017, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thu mua trái cây xuất khẩu. Nhận thấy Bình Phước nằm ở vị trí thuận lợi, ngay trung tâm vùng nguyên liệu sầu riêng cả khu vực Đông – Tây Nam bộ và Tây Nguyên, năm 2020, Công ty quyết định chọn xã Đức Liễu để đặt nhà máy cấp đông. Khi có thông tin Cục BVTV đã hoàn tất các thủ tục để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, công ty rất phấn khởi.
Từ đầu năm 2022, Hải quan Trung Quốc quy định hàng nông sản nhập khẩu chính ngạch vào nước này phải có mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Để đáp ứng nhu cầu, Công ty đã tiến hành đăng ký mã số nhằm công khai thông tin, chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng cường nâng cấp trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2021, Công ty đã xuất khẩu hơn 4.000 tấn sầu riêng cấp đông, trong đó có xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Hiện Công ty đã nâng công suất chế biến đóng gói lên 70 tấn cơm sầu riêng mỗi ngày, tương đương 140 tấn sầu riêng tươi. Công ty cũng bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư kho cấp đông bằng ni-tơ nhằm tăng cường công tác bảo quản, phòng khi thời gian thông qua Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng của cơ quan chức năng Việt Nam và Trung Quốc có thể bị kéo dài.
“Kho chứa mới được ứng dụng công nghệ cấp đông bằng khí ni-tơ lạnh được nhập khẩu từ Malaysia. Trước đây, khi cấp đông bằng phương pháp máy nén truyền thống, trung bình phải mất 6 – 8 tiếng mới cấp xong cho mỗi container 40 feet, mỗi ngày chỉ bóc được 10 tấn múi đưa lên container. Với hệ thống cấp đông mới, nếu cấp đông nguyên trái tươi chỉ mất thời gian 1 tiếng, còn đối với múi được bóc tách ra khay chỉ mất 10 – 15 phút, nhanh gấp hàng chục lần thông thường.
Đặc biệt, với độ lạnh dưới -100 độ C, việc cấp đông nhanh giúp giữ nguyên được hương vị sầu riêng, bảo quản được lâu và không bị thất thoát cân nặng, giải quyết được hàng chín rộ và tính được chuyện dự trữ khi thừa hàng dội chợ”, ông Lưu Lý Hoàng phân tích.
Ông Hoàng cho biết thêm, chế biến lạnh nên Công ty cần hệ thống kho lạnh tương đối lớn, nguồn vốn đầu tư vì thế khá lớn. Việc xây dựng mối liên kết giữa vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến để có nguồn cung ổn định với giá cả và chất lượng ổn định cũng là bài toán đặt ra với Công ty, vì sầu riêng tươi là mặt hàng biến động giá cũng như chất lượng khá lớn tùy theo mùa vụ.
Giải bài toán này, Công ty bắt đầu từ việc ký kết hợp tác, đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho nông dân và các tổ hợp tác, các HTX trồng sầu riêng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP trên địa bàn và một số tỉnh, thành lân cận.
Tương tự, nhận thấy những thế mạnh cây sầu riêng của tỉnh Bình Phước, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu) đã xây dựng trang trại hơn 11 ha trồng sầu riêng hữu cơ và hệ thống kho cấp đông tại huyện Hớn Quản.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết, Bình Phước đất đỏ bazan rất phù hợp với cây sầu riêng, đặc biệt là giống sầu riêng Monthong. Tại Hớn Quản, sầu riêng được trồng nhiều ở các xã Tân Lợi, Tân Hưng, An Khương, Minh Tâm. Song, phần nhiều nông hộ trồng sầu riêng ở đây có thói quen trồng chủ yếu để ăn, dư thì bán cho chợ truyền thống, thương lái. Vì vậy, bên cạnh trang trại, Công ty sẵn sàng kết nối tiêu thụ, chia sẻ kinh nghiệm để người trồng nâng cao giá trị kinh tế.
Theo bà Vy, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng đầy tiềm năng, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước Đông Nam Á. Thị trường Trung Quốc chủ yếu thu mua sản phẩm sầu riêng cấp đông, và nhập khẩu trái cây chính ngạch. Thế nhưng, phần lớn các nông hộ, các HTX đều mạnh ai nấy làm; dẫn đến sản phẩm không đồng nhất, khó tiếp cận thị trường khó tính.
Bên cạnh đó, việc tuân thủ quy trình sản xuất cũng như các điều khoản ký kết giữa HTX và doanh nghiệp rất dễ bị phá vỡ bởi tác động của thị trường. “Đây cũng là điểm yếu mà ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước cần khắc phục trong thời gian tới”, bà Vy chia sẻ.
Ngành nông nghiệp tính chuyện đường dài
Tuy nhiên, để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là câu chuyện đường dài, bởi lẽ để có một sản phẩm được công nhận, có thể các cơ quan chức năng sẽ mất nhiều thời gian hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để tiến tới ký nghị định thư; các doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký sản phẩm với Hải quan Trung Quốc, trong đó yêu cầu hàng hóa phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, tem truy xuất nguồn gốc… Chính vì vậy, đòi hỏi sự thay đổi nghiêm túc và kiên trì từ nông dân, doanh nghiệp và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.
Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, địa phương có lợi thế điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp trồng được tất cả các loại sầu riêng như Monthong, R6, 9 Hóa, thậm chí Musang King. Đặc điểm nữa, sau 3 năm kiến thiết cơ bản, đến năm thứ 4 cây sầu trên đất Binh Phước đã cho thu bói nhờ vị ngọt thanh đậm, múi thơm, cơm dày, đây là điều kiện cần để xây dựng thương hiệu sầu riêng Bình Phước.
“Chúng ta phải thay đổi phương thức sản xuất và canh tác, quản lý được chất lượng sản phẩm để xuất đi Trung Quốc cũng như các thị trường khác. Hiện doanh nghiệp, HTX, nông dân địa phương đã chuẩn bị mọi điều kiện, trong đó có chất lượng sản phẩm, liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, gắn tem truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tiêu chuẩn cho sản phẩm sầu riêng sẵn sàng xuất khẩu”, bà Tuyết cho biết.
Cũng theo bà Tuyết, Sở NN-PTNT cũng đã thực hiện việc giới thiệu 2 vùng trồng và các cơ sở đóng gói, đã quay clip phỏng vấn chủ nhiệm HTX, doanh nghiệp để gửi sang Trung Quốc thông qua Cục BVTV làm cơ sở để phía bạn thẩm định, cấp mã số vùng trồng, từ đó làm cơ sở cho sầu riêng xuất chính ngạch.
Bình Phước cũng đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, quy hoạch vùng trồng sầu riêng dựa trên các lợi thế cạnh tranh cây ăn trái nói chung theo hướng bền vững để đáp ứng yêu cầu chất lượng, tổ chức sản xuất để xuất khẩu. Thời gian tới, ngành nông nghiệp địa phương sẽ tập trung hỗ trợ nông dân, tạo vùng nguyên liệu có mã vùng trồng để chuẩn bị và đảm bảo cho việc xuất khẩu đi Trung Quốc…
Trần Trung – Hồng Thủy
Theo nongnghiep.vn