Nông nghiệp sinh thái bền vững – Permaculture

✩ Mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững – Permaculture là gì?

Mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững là một khái niệm hết sức mới mẻ trong nền nông nghiệp hiện đại. Không thể phủ nhận rằng quá trình làm nông nghiệp hiện nay của con người đang tàn phá hủy hoại thiên nhiên một cách trầm trọng và nhu cầu các sản phẩm nông nghiệp lại không hề giảm. Mô hình nông nghiệp sinh thái – Permaculture chính là giải pháp đang được kỳ vọng nhất hiện nay. Chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của loài người phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên thay vì phá hủy thiên nhiên.

Mô hình nông nghiệp bền vững này đang được nghiên cứu và các cộng đồng những người nông dân “sinh thái học” đang được hình thành trên nhiều nơi trên thế giới.

Permaculture – Nông nghiệp sinh thái bền vững:

  • perma – viết tắt của permanent nghĩa là trường kỳ, bền vững
  • culture – là nền văn minh con người nhưng cũng là viết tắt của agriculture nghĩa là nền nông nghiệp

Anh 05 16413529920351954176325Mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái tại Phong Điền, Cần Thơ (Nguồn: Internet)

Mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững về bản chất là cách canh tác nhiều loại cây có chọn lọc. Dựa trên những kinh nghiệm trồng trọt truyền thống và căn cứ vào nghiên cứu khoa học sâu xa để nỗ lực đưa con người hòa hợp hơn với hệ sinh thái mà vẫn đảm bảo nguồn cung lương thực và các nhu cầu khác cho chính con người. Nói cách khác, đây là cách xây dựng một hệ sinh thái có lợi cho chính con người.

Nhiều người có thể nhầm lẫn với hình thức nông nghiệp xen canh, tuy nhiên Permaculture phức tạp hơn rất nhiều, hiểu đơn giản là cách tạo ra hệ sinh thái ảo trong đó có rất nhiều loại cây kết hợp ngoài ra còn có sự tham gia của côn trùng và động vật.

“Hình thức canh tác tập trung, độc canh duy nhất một loài cây đang tàn phá hệ sinh thái kinh hoàng. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và BVTV gây hại cho đất và nguồn nước ngầm. Số lượng côn trùng (thiên địch) quan trọng trong hệ sinh thái cũng bị tiêu diệt gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới cân bằng hệ sinh thái” – Bill Mollison – Đồng sáng lập tổ chức Permaculture

Mô hình nông nghiệp bền vững – Permaculture rất khó trở nên đại trà nhanh chóng vì phụ thuộc vào vị trí địa lý, khí hậu và nhu cầu của địa phương mà những mô hình này sẽ có những hệ sinh thái khác nhau, những tổ hợp cây khác nhau. Mô hình này phải được các chuyên gia nghiên cứu cho chính địa phương đó và hoàn toàn không thể góp nhặt từ nơi khác.

Mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững xây dựng dựa trên những mối ràng buộc của các quần thể cây và động vật và chu kì vận động tuần hoàn của tự nhiên tại một vùng nhất định, vừa có lợi cho con người mà không tàn phá hệ sinh thái tại vùng đó” – David Holmgren – Nhà sáng lập tổ chức Permaculture

1 2 164947 278Đa dạng các quần thể trong hệ sinh thái nông nghiệp (Nguồn: Internet)

Vì thế mô hình nông nghiệp sinh thái bền vững sẽ không có cách thực hiện chung ở góc độ thực tiễn, mà chỉ căn cứ vào 12 nguyên tắc liên quan chặt chẽ tới bản chất của nó.

➤ Nguyên tắc 1: Quan sát hệ sinh thái tự nhiên trong thời gian dài và phân tích kỹ lưỡng mối quan hệ của các quần thể thay cho những tầm nhìn lợi ích ngắn hạn và không có chiều sâu.

Phá rừng để làm nông nghiệp chính là một trong những hành động nguy hiểm chỉ cho những lợi ích ngắn hạn. Với mô hình nông nghiệp sinh thái thì bắt buộc quy trình đầu tiên phải thu thập dữ liệu về vùng đất đó. Quá trình này thường mất 3 đến 4 năm. Với những địa phương đã vô tình tàn phá hệ sinh thái tự nhiên thì rất khó để theo đuổi mô hình Permaculture. Dữ liệu mang tính chiều sâu về địa hình, chất lượng đất và nguồn nước, chu kì nắng, gió, quần thể sinh vật và vi sinh vật sẽ quyết định lựa chọn quần thể tốt nhất cho mô hình. Vùng đất càng được nghiên cứu kỹ lưỡng thì càng hạn chế được những sai lầm trong thiết kế mô hình sau này.

➤ Nguyên tắc 2: Khởi đầu nhỏ với thay đổi nhỏ nhưng sức ảnh hưởng lớn.

Khác với việc canh tác nông nghiệp độc canh trên khu vực rộng lớn, Permaculture chú trọng khởi đầu với hệ sinh thái đơn giản/nhỏ mà bất kì những trang trại nhỏ đều có thể làm được. Ở những bước đầu tiên, việc áp dụng mẫu hệ sinh thái nông nghiệp bền vững luôn là những thử nghiệm và sẽ có những sai sót trong quá trình. Học từ những lỗi lầm nhưng không trả giá quá đắt đó chính là nguyên tắc thứ 2.

Langcodonghoahiep1Hệ sinh thái miền Tây Nam Bộ, Việt Nam (Nguồn: Internet)

➤ Nguyên tắc 3: Có sản lượng thu hoạch và tạo thu nhập

Mô hình nông nghiệp bền vững phải nuôi sống khu dân cư trong vùng đó và có sản lượng dư thừa. Sản phẩm thu được có thể đáp ứng nhu cầu của con người như thực phẩm, nước, khí gas, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng và phân hữu cơ. Mô hình thiết kế chuẩn xác sẽ không có phế phẩm bị loại bỏ và tất cả có thể được tận dụng triệt để. Cuối cùng sản lượng thu hoạch sẽ đạt đến mức dư thừa và có thể tạo thêm nhiều thu nhập hơn nữa. Ngoài ra, còn tạo nên nhiều giá trị khác cho cộng đồng như yếu tố cảnh quan, du lịch và kiến thức về đa dạng sinh học v.v.

➤ Nguyên tắc 4: Tối đa khả năng tạo nên sinh khối (biomas), một quần thể đa dạng nhất bao gồm nhiều nhân tố đan xen với nhau tạo nên một chuỗi liên kết vững chắc nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt cũng như một hệ sinh thái khỏe mạnh.

Nếu người nông dân hay xen canh cây họ đậu với cây cà chua thì một mô hình sinh thái nông nghiệp bền vững còn đòi hỏi nhiều hơn thế nữa. Ví dụ ta sẽ phải trồng thêm rau húng quế phủ đất để giảm thoát hơi nước cũng như tiết kiệm nước, trồng thêm tre gần bờ ao để chống xói mòn đất khi mùa mưa tới. Ngoài ra, liên kết con người với con người trong một cộng đồng cũng vô cùng quan trọng. Không có một người nào biết hết tất cả, Permaculture chú trọng phát triển cộng đồng những người có kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ để tối ưu hóa sự đa dạng của hệ sinh thái.

Permac1

Mô hình nông nghiệp sinh thái (Nguồn: Internet)

➤ Nguyên tắc 5: Tích trữ và thu thập nguồn năng lượng phân tán trong hệ sinh thái

Mô hình nông nghiệp bền vững là mô hình có khả năng tự thu thập năng lượng để sử dụng trong quá trình sản xuất của chính nó và cả trong sinh hoạt của con người. Điện gió, điện mặt trời hay sử dụng khí biogas (gas sinh học) để nấu nướng là các giải pháp thu thập năng lượng được cân nhắc mặc dù còn gây nhiều tranh cãi về tính hiệu quả kinh tế. 

➤ Nguyên tắc 6: Tối ưu hóa khả năng sử dụng các nguyên vật liệu tái chế ở địa phương

Nếu như ở thành phố, các chai lọ vứt đi cũng có thể thu thập lại để làm thành các chậu cây, thậm chí có thể biến thành dụng cụ tưới tiêu tự chế. Bàn ghế gỗ vứt đi có thể tận dụng lại để làm kệ trồng cây. Cho dù ở thành thị hay nông thôn, bạn luôn có những vật liệu tận dụng được từ phế thải trong cộng đồng.

➤ Nguyên tắc 7: Không có phế thải sinh ra trong quá trình sản xuất.

Không có định nghĩa phế phẩm trong mô hình permaculture, mọi loại chất thải đều là nguyên liệu chưa được dùng. Các phụ phẩm hữu cơ có thể được sử dụng trong một chu trình khác và bằng cách nào đó quay trở về vòng tuần hoàn của hệ sinh thái và lại được hấp thụ trở lại cây trồng và vật nuôi. Nhiều nông dân mắc sai lầm khá nghiêm trọng khi tiêu tốn không nhỏ lượng nước để xả phân, nước tiểu và lông gia cầm ra ngoài môi trường.

Trang chi tiếtTận dụng và xoay vòng tối đa các phế phụ phẩm trong hệ sinh thái (Nguồn: Internet)

➤ Nguyên tắc 8: Vị trí tương tác của các yếu tố trong mô hình phải hợp lý và cao hơn nữa là tinh tế.

Theo nguyên tắc số 4 thì càng nhiều nhân tố đan xen trong một hệ sinh thái thì càng tốt. Thế nhưng vị trí của những “yếu tố” lại quyết định mức độ hiệu quả của mô hình vì:

Không có yếu tố đơn nào chỉ tương tác duy nhất với một yếu tố khác. Ví dụ: Ta trồng cây sung gần bờ ao với mục đích chính để giữ đất thế nhưng quả sung chín rụng cũng có thể là nguồn thức ăn khác cho cá dưới ao, ngoài ra ta cũng làm một chuồng gà ở dưới tán cây sung gần bờ ao để hạ nhiệt cho chuồng gà. Phân gà và nước ao có thể bón trực tiếp cho vườn rau bên cạnh cung cấp thức ăn cho cá và con người.

➤ Nguyên tắc 9: Quy luật khứ hồi – cái gì chúng ta lấy thì phải trả lại. Các yếu tố nên được sắp đặt một cách tinh tế thay vì một cách ngẫu nhiên.

Nguyên tắc này nhắc đến việc chúng ta thải khí nhà kính vào môi trường thì phải lấy lại lượng khí đó “nhốt” lại vào hệ sinh thái của chúng ta. Nghe có vẻ hàn lâm nhưng thực hiện lại vô cùng đơn giản đó là – không được thu hoạch toàn tất cả sản phẩm trong hệ sinh thái. Phải chừa lại ít nhất từ 5% đến 15% sản lượng để không phá hủy cấu trúc tinh vi của hệ sinh thái mà bạn mất công tạo dựng bao gồm các vi sinh vật có ích có nhiệm vụ tổng hợp dinh dưỡng trong đất. Hệ sinh thái tự nhiên liên tục “bẫy” cacbon trong đất và quá trình thu hoạch thường làm tổn thương các vi sinh vật, hậu quả là đất đai dần bạc mầu và lượng cacbon đi vào khí quyển dày lên.

➤ Nguyên tắc 10: Tăng số lượng hệ sinh thái khác nhau và tương tác với mức độ vĩ mô hơn.

Bạn có thể may mắn khi khu vực canh tác nông nghiệp bền vững có cánh đồng cỏ giáp với rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn ở cửa sông giáp với biển, hồ tự nhiên giáp với thảm thực vật cao nguyên. Đây chính là cơ hôi để bắt đầu với mô hình Permaculture tốt nhất cho ra hiệu quả cao.

Với những nơi mà nông nghiệp độc canh thống trị điển hình là việc trồng lúa nước, nguyên tắc này có thể không phù hợp. Thế nhưng hãy tái tạo hệ sinh thái tự nhiên bằng cách áp dụng mô hình nông nghiệp bền vững bên bờ các kênh mương cấp nước tưới.

NnstĐa dạng cây trồng trong hệ sinh thái nông nghiệp (Nguồn: Internet)

➤ Nguyên tắc 11: Giải pháp luôn nằm sẵn trong vấn đề

Chúng ta thường nhìn nhận những vấn đề theo chiều hướng tiêu cực nên cách giải quyết cũng sẽ phần nào tiêu cực theo. Permaculture nhìn nhận vấn đề theo hướng lạc quan hơn khi cho rằng mỗi một vấn đề hiện hữu, thì bản thân nó đã có giải pháp cho chính nó rồi. Nếu chúng ta hiểu và tinh tường, vấn đề có thể biến thành cơ hội vàng. Trang trại kế bên liên tục xả thải sang khu vực của bạn, hãy tận dụng nguồn chất thải này để nuôi giun quế hay tảo – bạn có thể nghiền thành bột và bán lại cho các trang trại gia cầm và hồ nuôi cá. Khu vực luôn bị ẩm ướt và ngập úng? – hãy làm hẳn một hồ tích trữ nước tại nơi đó. Đôi khi nông nghiệp bền vững ở chỗ chúng ta có thể biến những “vấn đề” thành cơ hội.

➤ Nguyên tắc 12: Giảm sự can thiệp của con người theo thời gian

Theo nguyên tắc này, khi mô hình nông nghiệp bền vững chạm đến ngưỡng bền vững, chúng ta sẽ ít phải làm việc hơn. Hệ sinh thái đủ khỏe mạnh để có thể tự duy trì và cho ra sản phẩm. Môi trường tự nhiên sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn và rộng lớn hơn, chúng ta không những thừa hưởng thành quả sản phẩm mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hệ sinh thái đa dạng.

✩ Ưu điểm vượt trội của nông nghiệp sinh thái là gì?

Nông nghiệp sinh thái là nền nông nghiệp có phương thức canh tác chỉ dùng các tài nguyên có sẵn trong tự nhiên. Chính là phương thức ngăn ngừa sâu bệnh hại nhưng vẫn đảm bảo độ phì nhiêu, an toàn cho đất. Mô hình nông nghiệp này hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất tổng hợp, thuốc trừ sâu, phân bón, thuốc kháng sinh và các loại sinh vật đã biến đổi gen.

Với phương thức canh tác này, mùa vụ có thể đạt sản lượng cao hơn, thu được nhiều thực phẩm tự nhiên, thực phẩm sạch, lành mạnh và bổ dưỡng hơn. Bên cạnh đó, nông nghiệp sinh thái còn giúp đạt được sự bền vững lớn cho môi trường. Vậy ưu điểm của nông nghiệp sinh thái là gì? Nông nghiệp sinh thái có 4 ưu điểm nổi bật sau: 

➤ Tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe con người

Ưu điểm nổi bật dễ nhận thấy của nông nghiệp sinh thái chính là việc tạo ra các sản phẩm sạch, không có chứa chất độc hại, an toàn cho sức khỏe con người. Sản xuất theo mô hình nông nghiệp này chủ yếu dùng phân bón tự nhiên từ động vật, thực vật vô cùng an toàn. Nên sản phẩm thu hoạch được sẽ giàu hàm lượng vitamin, chất chống oxy hóa, các khoáng chất thiết yếu, carbohydrate và protein cao.

Bên cạnh đó, các sản phẩm thu hoạch được từ nông nghiệp sinh thái không chứa các chất phụ gia tổng hợp. Đây là các chất có nguy cơ gây ra các vấn đề về sức khỏe tim mạch, đau nửa đầu, loãng xương, dị ứng, tăng động, Parkinson,…

Nong Nghiep Sinh Thai La Gi 2Nông nghiệp sinh thái tạo ra đa dạng các sản phẩm nông sản (Nguồn: Internet)

➤ Giúp bảo vệ sức khỏe của người nông dân

Nếu hỏi ưu điểm nông nghiệp sinh thái là gì? Thì những người làm mô hình nông nghiệp này sẽ không ngần ngại trả lời là bảo vệ tốt sức khỏe cho người trồng trọt thông qua việc không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng,… Dư lượng hóa chất từ hàng trăm loại thuốc trừ sâu, phân bón lưu lại trong đất sau khi sử dụng không kiểm soát hoặc kiểm soát kém đã khiến cho sức khỏe người lao động, những người trực tiếp trồng trọt bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề về lâu dài.

➤ Nâng cao sản lượng và giúp tiết kiệm chi phí nuôi trồng

Cây trồng phát triển trên nền đất khỏe mạnh, đất tốt sẽ đạt được sự phát triển toàn diện và có khả năng kháng bệnh tự nhiên vô cùng tốt. Chính bản thân cây trồng có được “hệ miễn dịch” tự thân vô cùng mạnh mẽ, giúp đẩy lùi tác nhân gây bệnh. Cây khỏe mạnh sẽ tận dụng được tối đa các nguồn lực từ ánh sáng mặt trời, đất và nước.

Chính vì vậy mà mùa vụ sẽ đạt sản lượng, năng suất cao hơn mà không cần tốn nhiều chi phí cho công tác phòng trừ sâu bệnh hay kích thích tăng trưởng.

➤ Giúp bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái

Một trong những ưu điểm nổi bật nhất của mô hình nông nghiệp này là bảo vệ môi trường, giữ gìn sự đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Đặc trưng của nông nghiệp sinh thái là tôn trọng động vật hoang dã, không tạo ra chất thải gây ô nhiễm, bảo vệ các loài vi sinh vật trong môi trường tự nhiên, giúp tiết kiệm năng lượng. Cho nên, nông nghiệp sinh thái chính là nền nông nghiệp giúp bảo tồn hạt giống cho tương lai.

Chang Trai Tre Mang Rung Ve Voi Dong Bang Hoi Sinh Dat Chet 015505 310Cân bằng lại hệ sinh thái tự nhiên (Nguồn: Internet)

✩ Khó khăn, hạn chế phát triển nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam

Cho đến nay, nông nghiệp sinh thái là hướng đi tất yếu hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, đã có nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái được triển khai và đạt được thành công nhất định. Tuy nhiên, để chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp theo cách tiếp cận nông nghiệp sinh thái, nhiều khó khăn hiện hữu:

➤ Thứ nhất, hiện nay tư duy sản xuất theo nông nghiệp sinh thái còn chưa phổ biến. Các hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay chủ yếu tập trung vào việc gia tăng sản lượng mà chưa chú trọng nhiều đến các yếu tố về an toàn thực phẩm, tính tự bền vững của hệ thống sản xuất, tính đa dạng sinh học, sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng và nhiều khi còn chưa tập trung vào nâng cao chất lượng của sản phẩm. Cùng với đó sản xuất chưa bắt kịp những thay đổi nhanh chóng về thị hiếu tiêu dùng ở thị trường trong nước cũng như quốc tế. Thói quen canh tác thâm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học của người sản xuất khiến cho nguy cơ gây suy thoái môi trường gia tăng. Việc sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt mặc dù đã được đẩy mạnh nhưng tỷ lệ áp dụng còn hạn chế do giá bán của các sản phẩm dán nhãn VietGAP, hữu cơ chưa tương xứng với đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn này. Hiện nay diện tích sản xuất hữu cơ của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 170 nghìn hecta, diện tích trồng trọt đạt chứng nhận tiêu chuẩn bền vững như VietGAP, GlobalGAP và chứng nhận tương đương chỉ đạt 10%.

➤ Thứ hai, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái. Nông nghiệp là ngành sản xuất có lợi nhuận không cao và thường phải đối diện với nhiều loại rủi ro như thiên tai, ngoài ra thị trường nông sản cũng có tính rủi ro và bất ổn cao. Đây là một trong những yếu tố cản trở doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp và tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nông nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính thấp, trên 90% là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao nên khó có tiềm lực để nhân rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái.

➤ Thứ ba, nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn, sản phẩm nông nghiệp sinh thái được nâng cao nhưng chưa sẵn lòng chi trả một mức giá tương xứng cho sản phẩm. Mặc dù nhu cầu về chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe, nhu cầu về đa dạng hóa chế độ ăn uống ngày càng gia tăng, tuy nhiên, người tiêu dùng chưa sẵn lòng chi trả một mức giá tương xứng, nhận thức về mối liên kết giữa sản xuất nông nghiệp với các vấn đề về môi trường và xã hội, bao gồm biến đổi khí hậu, dinh dưỡng và sức khỏe chưa đầy đủ.

➤ Thứ tư, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ở Việt Nam hiện nay còn tương đối lỏng lẻo, các mô hình chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sinh thái hầu hết chỉ dừng lại ở các mô hình nhưng chưa được nhân rộng. Nguyên nhân chính là do liên kết hợp tác còn chưa mạnh, thiếu gắn kết giữa các tác nhân trong chuỗi. Việc chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và các tác nhân khác trong chuỗi giá trị còn chưa đạt được sự đồng thuận nhất định khiến tình trạng tham gia liên kết còn ít, tình trạng bẻ kèo, tranh chấp giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn diễn ra phổ biến.

➤ Thứ năm, quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái đòi hỏi sự vào cuộc giữa các bộ ngành, lĩnh vực và các bên liên quan. Chính sách tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp sinh thái cần được lồng ghép ở nhiều cấp độ (địa phương, quốc gia và quốc tế) và lĩnh vực (từ nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường). Động lực từ các chính sách thúc đẩy các hệ thống sản xuất nông nghiệp hiện nay chưa đủ lớn để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho nông nghiệp sinh thái và các phương pháp tiếp cận nông nghiệp bền vững khác có tính đến yếu tố bên ngoài của hệ thống thực phẩm.

Nguồn: Sưu tầm & tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *