Muốn làm nông nghiệp hữu cơ, đất phải khỏe

Khỏe đất, khỏe người nhờ làm nông nghiệp hữu cơ

Sau gần 4 năm làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, khu vườn của gia đình bà Đỗ Thị Thanh ở thôn Yên Sở, xã Phúc Ninh (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) nay đã có nhiều giun đất hơn xưa, có những tổ kiến vàng giúp tiêu diệt sâu bọ…

Bà Thanh chia sẻ rằng, đó là thành quả của quá trình làm cho đất sạch từ mô hình phát triển cây ăn quả theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Từ ngày làm nông nghiệp hữu cơ, bà thấy đất tại mảnh vườn rộng gần 1,5ha trồng cam, bưởi của gia đình mình “khỏe hơn”. Bà giải thích, đất khỏe hơn và màu mỡ hơn bởi tơi xốp hơn, đàn giun xuất hiện nhiều hơn.

Tỉnh Tuyên Quang đang dành nhiều chính sách cho phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Ảnh: Đào Thanh.
Tỉnh Tuyên Quang đang dành nhiều chính sách cho phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Ảnh: Đào Thanh.

Để đạt được thành quả giúp đất khỏe như hôm nay, bà Thanh đã mất gần 4 năm vất vả ủ phân chuồng để bón cây thay cho phân hóa học; vất vả làm các chế phẩm tự nhiên để tiêu diệt sâu bệnh hại thay vì sử dụng thuốc trừ sâu; hằng tháng bà thuê người cắt cỏ, rồi thân của cỏ dại bà dùng phủ gốc cây giúp bổ sung nguồn phân bón hữu cơ dưới gốc cây…

Vất vả thế nhưng khi vườn bưởi cho 4.000 quả, vườn cam cho 2 tấn quả/năm bà cũng chẳng được lãi là bao. Bởi cam, bưởi của gia đình bà vẫn chưa được công nhận chuẩn hữu cơ mà mới chỉ là hữu cơ chuyển đổi.

Tuy vậy, bà Thanh được an ủi phần nào bởi giá bán của các sản phẩm cam, bưởi tại vườn nhà bà vẫn cao hơn giá thị trường và tiêu thụ dễ hơn. Như vụ vừa rồi, khi thị trường gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bưởi của gia đình bà vẫn được một số siêu thị uy tín thu mua với giá 15.000 đồng/quả, cao hơn từ 5.000 đến 8.000 đồng/quả so với bưởi trồng thông thường; cam giá bán đạt 15.000 đồng/kg, trong khi các vườn cam thông thường chỉ đạt 7.000 đồng/kg.

Không chỉ làm nông nghiệp hữu cơ hăng say, bà Thanh còn làm tổ trưởng tổ sản xuất nông nghiệp hữu cơ của xã Phúc Ninh. Tổ có 12 thành viên với tổng diện tích khoảng 30ha cây ăn quả. Các hộ trong tổ đều ý thức được rằng, làm nông nghiệp hữu cơ tuy một số năm bị hòa vốn, thậm chí lỗ nhưng họ đều tình nguyện tham gia.

Bởi cái được lớn nhất là bảo vệ được sức khỏe của đất, bảo vệ được môi trường sống xung quanh vườn cây ăn quả. Cái được tiếp đến, đó là họ đã bước đầu đặt nền móng cho nông nghiệp xứ Tuyên phát triển, bởi ai cũng sợ lỗ, ai cũng không dám làm theo hướng hữu cơ thì nông nghiệp sẽ vẫn chỉ mãi lệ thuộc vào phân, thuốc hóa học.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ mang lại sự thay đổi về nhận thức cho nông dân xứ Tuyên. Ảnh: Văn Thưởng.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ mang lại sự thay đổi về nhận thức cho nông dân xứ Tuyên. Ảnh: Văn Thưởng.

Vườn bưởi Diễn gần 700 gốc của gia đình ông Vương Ngọc Mừng ở thôn Đo, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) được trồng theo hướng hữu cơ. Ông Mừng cho biết, làm nông nghiệp hữu cơ giai đoạn những năm đầu sẽ vất vả hơn bởi đang dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu bỗng phải ngừng lại nên cây bị cằn, chậm lớn và năng suất thấp hơn. Nhưng đây cũng là giai đoạn giúp hồi phục lại đất, để đất khỏe lại, môi trường tự hồi phục thì thiên địch cũng xuất hiện hỗ trợ chủ vườn tiêu diệt sâu bọ, giun đất về nhiều giúp làm đất tơi xốp.

Năm 2021 vừa qua, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá bưởi xuống thấp nhưng vườn của gia đình ông  Mừng vẫn bán được 20 nghìn đồng/quả, cao gấp đôi giá thị trường. Tổng doanh thu từ vườn bưởi của ông đạt gần 900 triệu đồng, giảm so với năm 2020 gần 300 triệu đồng, nhưng ông vẫn vui vì thấy người khỏe, đất khỏe, môi trường luôn trong lành.

Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Tuyên Quang đã bước đầu hình thành một số mô hình và đang tiếp tục lan tỏa, tuy nhiên vẫn còn manh mún. Hơn thế, là tỉnh miền núi, việc kết nối thông thương không thuận lợi khiến con đường làm nông nghiệp hữu cơ của những người tiên phong còn gặp không ít gian nan.

Khó nhất khâu tiêu thụ sản phẩm hữu cơ

Tính đến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là 114,4 ha, trong đó diện tích được cấp giấy chứng nhận hữu cơ gồm 6,2ha lúa, 27,5ha chè, 18,3ha cam và 10,2ha bưởi. Diện tích sản xuất hữu cơ chuyển đổi là 52,3ha, gồm 35,7ha bưởi, 16,6ha cam.

Tỉnh Tuyên Quang xác định, những sản phẩm tạo dựng được thương hiệu cũng như giá trị của nông sản xứ Tuyên chính là những sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, VietGAP…

Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ giúp các mô hình cung cấp đa dạng sinh học cao hơn thông qua việc nuôi nhiều ong, chim, côn trùng có ích… giúp nâng cao chất lượng nước và đất. Sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ của Tuyên Quang như cam, chè, bưởi, lúa gạo… đã bước đầu được thị trường đón nhận và cho giá trị cao hơn cả về chất lượng và hiệu quả kinh tế.

Xã Hồng Thái, huyện Na Hang là địa phương có diện tích chè hữu cơ lớn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.
Xã Hồng Thái, huyện Na Hang là địa phương có diện tích chè hữu cơ lớn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển, tỉnh Tuyên Quang đã trình phê duyệt danh mục Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh gồm 83 dự án. 

Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Tài chính đã tham mưu với UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện dự án nông nghiệp hữu cơ năm 2022 với tổng kinh phí hơn 32,4 tỷ đồng; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về nông nghiệp hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đã tổ chức thực hiện 4 đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh có liên quan đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ với tổng kinh phí thực hiện hơn 4,5 tỷ đồng.

HTX Chè Sử Anh ở phường Mỹ Lâm (thành phố Tuyên Quang) đang thực hiện chuyển đổi 2ha chè trồng thí điểm theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất theo hướng hữu cơ, HTX chỉ sử dụng các loại phân vi sinh, chế phẩm sinh học và “nói không” với hóa chất, hướng tới mục tiêu làm cho đất khỏe bền vững.

Ông Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Chè Sử Anh cho biết, khó khăn nhất khi làm chè hữu cơ đó là việc tiếp cận thị trường. Bởi giá bán chè hữu cơ khá cao, phù hợp với người có thu nhập cao. Do vậy, HTX sẽ thực hiện chuyển đổi dần dần, vừa làm vừa nghiên cứu thị trường. Thuận lợi với người làm nông nghiệp hữu cơ đó là các chương trình đồng hành của ngành NN-PTNT Tuyên Quang về tư vấn hướng dẫn kỹ thuật, định hướng kết nối thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa các sản phẩm…

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã cấp 9 giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (theo TCVN/PGS/tiêu chuẩn nước ngoài) cho các sản phẩm cam, chè, bưởi, lúa. Trong đó, nổi bật nhất là sản phẩm chè hữu cơ của HTX Chè Sơn Trà (xã Hồng Thái, huyện Na Hang) với vùng nguyên liệu lơn tới 21ha được công nhận đạt chuẩn hữu cơ.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh Tuyên Quang có 56 vùng, với diện tích là 1.200 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chiếm trên 1% tổng diện tích đất cây trồng chính; đến năm 2030 có 65 vùng, với diện tích là 2.000 ha, chiếm trên 1,5% tổng diện tích đất cây trồng chính.

Đào Thanh – Văn Thưởng

Theo nongsanviet.nongnghiep.vn

Để hiểu rõ thêm về nền nông nghiệp không hóa chất

 Đăng ký kênh YOUTUBE: “HỮU CƠ THUẬN THIÊN”