TPO – TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fullbright cho rằng, nông nghiệp là điểm sáng lớn nhất, nhưng không đủ vực dậy kinh tế cả vùng ĐBSCL. Trồng lúa không thể giúp nông dân làm giàu và “vòng xoáy” này dẫn đến người lao động ở ĐBSCL phải di cư.
Tại buổi công bố Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, những thông tin từ báo cáo giúp “thức tỉnh” được nhiều các vấn đề về nông nghiệp của ĐBSCL.
“Báo cáo chỉ ra những điều làm chúng ta thấy đau, đó là những “vũng trũng”, hay là “vòng xoáy đi xuống” cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Đối với một vùng là vựa lúa của cả nước, vùng nông nghiệp lớn nhất của cả nước. Chúng ta tự hào bao nhiêu về nó nhưng lại là vùng trũng như thế…
Một thông điệp rất mạnh, rất thẳng thắn từ báo cáo, đó là cần phải thay đổi tư duy, đảo ngược vòng xoáy… Vậy chúng ta phải làm gì? Dưới góc độ doanh nghiệp (DN), họ cần các chính sách của trung ương và việc thực thi ở các cấp địa phương một cách thấu đáo. Tôi vẫn luôn nói thành công của DN, 50% là do môi trường kinh doanh” – chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Dẫn chứng về Thái Lan, bà Lan nêu câu hỏi “Tại sao Thái Lan có nền nông nghiệp vượt trội Việt Nam mặc dù điều kiện của họ cũng tương đương chúng ta?”. Theo bà, cái chính là nhờ hệ thống chính sách, hệ sinh thái hoàn chỉnh cho sự phát triển nông nghiệp. Tất cả những cái về chính sách, về cách làm trong việc hỗ trợ cho nông dân, hỗ trợ cho DN…, họ làm xuất sắc hơn.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cũng lưu ý, muốn thay đổi trước hết phải thay đổi về tư duy. Tư duy phát triển nông nghiệp ĐBSCL phải là tư duy của cả vùng, liên kết vùng và cả liên vùng nữa vì muốn phát triển nông nghiệp ĐBSCL không thể không tính đến vai trò, sự kết nối vô cùng cần thiết với TPHCM và Đông Nam Bộ và với các vùng khác trong cả nước.
Điều quan trọng nữa là phải tính đến lợi ích của nông dân, của DN. Dường như lâu nay nói về thành tựu của nông nghiệp, chúng ta nhấn mạnh nhiều đến thành tích xuất khẩu (XK) nông sản, trong khi vẫn phải nhập khẩu khá nhiều đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.
Thị trường nội địa rất quan trọng, có những mặt hàng nếu phát triển ở thị trường nội địa có lẽ đem lại lợi ích, thu nhập cho nông dân còn cao hơn XK. Mặc dù ta ký nhiều FTA nhưng việc tận dụng được hoàn toàn không đơn giản nếu như chỉ chủ yếu XK thô như hiện nay.
“Từ chỗ cung cấp, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, ĐBSCL sẽ là nơi cung cấp dinh dưỡng. Tôi rất mong muốn các thế hệ của người Việt Nam có đủ thể chất để phát triển đất nước, chứ xuất khẩu nhiều mà khi đi về các vùng nông thôn, miền núi vẫn có những em gái ở tầm độ cao của tôi thì buồn lắm. Mong muốn ĐBSCL không chỉ là nơi cung cấp lương thực thực phẩm chung chung mà là nơi cung cấp nguồn dinh dưỡng cho phát triển nòi giống của người Việt Nam trong tương lai” – bà Lan kỳ vọng.
Làm gì để đảo ngược “vòng xoáy”?
TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fullbright (đồng chủ biên Báo cáo) cho rằng, nông nghiệp là điểm sáng lớn nhất, nhưng không đủ vực dậy kinh tế cả vùng ĐBSCL. Trồng lúa không thể giúp nông dân làm giàu và “vòng xoáy” này dẫn đến người lao động ở ĐBSCL phải di cư.
Để đảo ngược “vòng xoáy” đi xuống thành vòng xoáy đi lên, đầu tiên là phải thay đổi quan điểm về an ninh lương thực. Đó phải là khả năng tiếp cận với lương thực, khả năng tạo ra được dinh dưỡng cho người sử dụng, khả năng hỗ trợ của nhà nước trong điều kiện cần thiết…, chứ không phải cứ có lúa gạo là có an ninh lương thực.
Tiếp đến là tăng cường đầu tư cho ĐBSCL, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông. Đồng thời, tăng chất lượng, số lượng nguồn nhân lực để đảm bảo khi các nhà đầu tư đến thì có sẵn nguồn lực về lao động để đáp ứng được nhu cầu…
Theo tienphong.vn