Để cạnh tranh được trên ‘sân nhà’ cũng như vươn ra ‘biển lớn’, doanh nghiệp, nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, đảm bảo sản phẩm đạt được các tiêu chuẩn hội nhập.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Trượt từ “vòng gửi xe” mới thấy sự đời không đơn giản
Khi nói về vấn đề tiêu chuẩn của nông sản, hàng hóa Việt để xuất khẩu, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam, cho rằng: Mình vào nhà ai thì cũng phải được phép của người ta. Mình đi ra thế giới cũng phải có passport, giấy thông hành. Hàng hóa cũng vậy. Người ta muốn đón nhận hàng hóa của mình thì người ta phải biết được mình đã có những nỗ lực gì để đạt được tiêu chuẩn hàng hóa lên kệ siêu thị, có thể sánh vai với hàng hóa của họ trên những không gian phục vụ cho người tiêu dùng.
Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam nghĩ rằng, mình có hàng hóa tốt, tìm được một nhà phân phối là có thể bước vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, “đến cửa không qua được vòng gửi xe” mới thấy sự đời không phải đơn giản như vậy.
Trong khi đó, tìm kiếm các chứng nhận theo kiểu đối phó vẫn đang phổ biến. Gần đây, câu chuyện rau VietGAP giả vào các hệ thống phân phối lớn. Khi người ta đi mua giấy chứng nhận để vào được các hệ thống phân phối, bán lẻ, người ta không hiểu rằng, bản thân những chứng nhận đó là con đường cần thiết buộc mỗi cá nhân, doanh nghiệp phải trải qua.
Tất cả những việc mình học, thực hành, tất cả những quy trình, kỷ luật giúp cho mình đảm bảo ổn định trong sản xuất, ổn định về chất lượng, tạo được niềm tin vững chắc với nhà phân phối, người tiêu dùng. Nhà sản xuất, cung ứng cần phải hiểu rằng, thế nào là sản xuất an toàn, thế nào là sản phẩm đảm bảo được an toàn và sức khỏe người tiêu dùng. Khi ấy, họ sẽ thực hiện nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật để được cấp chứng nhận.
Các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm Việt Nam tham gia hội chợ ThaiFex tại Thái Lan. Ảnh: BSA.
Để vươn ra biển lớn, theo bà Hạnh, các doanh nghiệp cần hoàn thiện chất lượng sản phẩm của mình để đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính. Chính vì vậy, vào năm thứ 20 của chương trình “Hàng Việt Nam Chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn”, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận ra rằng, cần thiết phải hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, bổ sung một sức mạnh mới, đảm bảo chất lượng ngang bằng, phù hợp để hội nhập và cạnh tranh với hàng hóa thế giới.
Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” ra đời với sứ mệnh tăng cường lòng tin thị trường đối với sản phẩm Việt, tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng và có trách nhiệm, được thị trường nhận biết, cũng như xây dựng nguồn cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng cho xã hội. Bộ tiêu chí nhằm trao cho các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao những tiêu chuẩn, những tấm giấy thông hành để đi vào thị trường thế giới.
Ngoài ra, bộ tiêu chí này được xây dựng dựa trên nguyên tắc phòng ngừa, loại bỏ và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến an toàn của sản phẩm ngành thực phẩm và phi thực phẩm, tăng cường hiệu quả kiểm soát, giảm chi phí do các hoạt động sửa chữa và khắc phục sự cố.
Đồng thời, định hướng sản xuất, lấy an toàn, chất lượng sản phẩm làm trung tâm, song song với giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và thực hành trách nhiệm xã hội, từ đó tạo nền tảng cho doanh nghiệp Việt phát triển bền vững, thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các sản phẩm đạt chứng nhận “Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” được đánh giá dựa trên các yêu cầu về mặt kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế của các tổ chức như GlobalGAP, FDA (Hoa Kỳ), BRC (Anh), IFS… nhằm đảm bảo quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm luôn được phù hợp. Đây chính là sự ghi nhận cho những nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm lên chuẩn quốc tế của chính doanh nghiệp, là tấm giấy thông hành để thâm nhập thị trường thế giới.
“Nhiều nông dân nói: “tự nhiên bày ra nhiều tiêu chuẩn làm gì, tôi đẩy bán hết cho thương lái là xong”, nhưng chính vì suy nghĩ như vậy mà người nông dân không làm chủ được sản phẩm của họ và họ trao hết hiệu quả lao động của mình vào tay thương lái. Chúng ta vẫn cần thương lái, nhưng nếu không có tiêu chuẩn, công bằng, luật pháp thì người nông dân sẽ mãi mãi bị chèn ép”, bà Hạnh phân tích.
Chất lượng của sản phẩm, sự an toàn của sản phẩm được thẩm thấu trong toàn bộ chuỗi sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào, cho đến phân bón, vật tư, quy trình sản xuất… đến khâu cuối cùng. Do đó, theo bà Hạnh, nếu tuân thủ thực hiện quy trình này một cách có nề nếp, kỷ luật, tuân thủ nghiêm túc từng yêu cầu nhỏ nhất trong suốt quá trình sản xuất, tiêu thụ thì nông dân, doanh nghiệp phát triển ổn định bền vững và đạt được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Bà Hạnh lấy ví dụ như chuối của ông Võ Quan Huy (Long An) xuất khẩu đi Nhật, Hàn Quốc phải đạt hơn 200 chỉ tiêu và tất cả nông dân đều phải tuân thủ tất cả những tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, khi đã thành nếp, tuân thủ nghiêm túc thì người ta không hơi đâu ngồi đếm từ 1 đến 200 chỉ tiêu.
Làm ăn với quốc tế, không “lách” được đâu
Không chỉ giúp các doanh nghiệp cần đạt chuẩn hội nhập mà nông dân sản xuất quy mô nhỏ cũng cần phải đạt được điều này để giúp cho nông sản Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường cả trong và ngoài nước.
Chính vì vậy, vào năm 2018, khi chính thức trở thành thành viên của GlobalGAP, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã đẩy mạnh hợp tác triển khai chương trình LocapGAP. Tiêu chuẩn này định hướng để hỗ trợ nông dân, đặc biệt nông dân sản xuất quy mô nhỏ và mới tham gia vào sản xuất thực hiện các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để cải tiến hiệu quả quản lý trang trại, giảm thiểu rủi ro về an toàn thực phẩm, tuân thủ các quy định quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đây là bước đệm vững chắc để nông dân có thể xây dựng, tuân thủ và tiến tới đạt chứng nhận GlobalGAP (chứng nhận đã được công nhận tại hơn 135 quốc gia trên thế giới), nhằm đưa sản phẩm của mình vào các thị trước quốc tế.
LocapGAP gồm 2 cấp độ cơ bản và trung gian, tập trung chủ yếu vào các tiêu chí cốt lõi về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất.
Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng khi làm ăn với quốc tế, không có cách nào để “lách” được đâu mà buộc chúng ta phải tuân thủ, tôn trọng đúng quy trình.
Nhà sản xuất đạt LocapGAP sẽ được cấp một số LGN (LocapGAP. number) và dễ dàng được xác định trong cơ sở dữ liệu của GlobalGAP, từ đó giúp cải tiến truy xuất nguồn gốc và nhà mua hàng, các bên liên quan (người tiêu dùng, nhà mua hàng quốc tế – PV) dễ dàng kiểm tra tính an toàn của sản phẩm. Đồng thời, dựa trên hệ thống chứng nhận được biết đến trên 135 quốc gia trên thế giới là GlobalGAP, các sản phẩm đạt chứng nhận LocapGAP sẽ thuận lợi hơn trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Như vậy, bên cạnh chứng nhận VietGAP, nông dân có thể chọn chứng nhận LocalGAP như một đảm bảo cho nông sản an toàn, qua đó nâng cấp năng lực sản xuất của nông dân Việt, cũng như cấp “thị thực” cho nông sản Việt Nam ra nước ngoài.
“Khi làm ăn với quốc tế, không có cách nào để “lách” được đâu mà buộc chúng ta phải tuân thủ, tôn trọng đúng quy trình, những tiêu chuẩn khắt khe về nhà máy, đất đai, nguyên liệu, nguồn nước, phân bón… trong suốt quá trình sản xuất, qua đó nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm, hàng hóa của Việt Nam, tạo lòng tin với bạn bè quốc tế, tham gia vào thị trường toàn cầu một cách bền vững và ngày càng phát triển”, bà Vũ Kim Hạnh cho hay.
Nguồn: Báo Nông Nghiệp
Link bài viết: https://nongnghiep.vn/ba-vu-kim-hanh-lam-an-voi-quoc-te-khong-lach-duoc-dau-d340701.html