Sinh thái bệnh cây trồng

Để bệnh hại phát sinh trên cây trồng cần có các điều kiện cơ bản sau:
  • Phải có mặt của cây ký chủ mẫn cảm với bệnh
  • Phải có nguồn bệnh có sức sống, đạt số lượng xâm nhiễm tối thiểu
  • Điều kiện môi trường phù hợp với sự phát triển của mầm bệnh
Tam Giac Benh Cay Trong Min
Hay còn gọi là Tam giác bệnh cây trồng
Nếu cây ký chủ không có mặt trên đồng ruộng hoặc có mặt mà ở giai đoạn cây không mẫn cảm với bệnh thì cây không thể mắc bệnh. Lượng vi sinh vật gây bệnh nếu “không đạt mức xâm nhiễm tối thiểu” cây cũng không thể mắc bệnh. Dù có đủ hai điều kiện trên nhưng điều kiện môi trường không thuận lợi thì cây cũng không thể mắc bệnh. Tóm lại nếu thiếu một trong ba điều kiện trên bệnh không thể phát sinh và cây trồng không thể bị bệnh.
Slide25 L (2)
Các điều kiện môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh:
  • Độ ẩm:
    • Độ ẩm không khí cao là điều kiện phát triển và lây nhiễm thuận lợi của nhiều loài nấm và vi khuẩn gây bệnh cây trồng.
    • Độ ẩm đất quá cao, đất có độ nén cao, thoát nước kém, thiếu oxi là điều kiện làm cho cây suy yếu do bộ rễ phát triển kém cây không hút được dinh dưỡng tạo điều kiện cho vi sinh vật có hại phát triển và tấn công cây trồng.
  • Nhiệt độ:
    • Nhiệt độ là yếu tố rất cơ bản ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cây trồng cũng như mầm bệnh gây hại trên cây trồng.
    • Trong giai đoạn xâm nhập, nhiệt độ ảnh hưởng đến tỷ lệ nẩy mầm của bào tử nấm. Mỗi mầm bệnh có những giới hạn nhiệt độ tối đa, tối thích và tối thiểu. Đa số các loại nấm bệnh gây hại cây trồng ưa thích môi trường nóng ẩm.
    • Nhiệt độ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Mỗi loại cây trồng điều có khoảng nhiệt độ thích nghi cho sự phát triển, nếu vượt qua khỏi giới hạn chịu đựng cây trồng sẽ sinh trưởng, phát triển kém, sức chống chịu giảm, từ đó là cơ hội để mầm bệnh dễ dàng tấn công gây hại.
  • Ánh sáng:
    • Cường độ chiếu sáng, thời gian chiếu sáng, độ dài ngày tuy không ảnh hưởng trực tiếp như nhiệt độ, độ ẩm nhưng trong một số trường hợp có ảnh hưởng rõ rệt đến sức chống chịu của cây.
  • Độ pH đất:
    • Độ pH đất có ảnh hưởng lớn đến quá trình lây lan và phát triển mầm bệnh, đặc biệt là pH có độ chua cao (pH < 5.0) thì đa số mầm bệnh phát triển rất mạnh.
    • Ngoài ra, pH đất ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng. pH đất quá thấp hoặc quá cao cây trồng sẽ sinh trưởng, phát triển kém, sức chống chịu suy giảm. Độ pH ảnh hưởng đến độ dễ tiêu của các nguyên tố dinh dưỡng. Độ pH thấp thì hàm lượng dễ tiêu của N, P, K, S, Ca, Mg và Mo đều thấp. Trái lại khi đất chua thì hàm lượng dễ tiêu của Fe, Mn, Zn tăng cao. Vì thế cây trồng sẽ bị mắc bệnh sinh lý do thiếu hụt hay dư một số chất dinh dưỡng và biểu hiện ra hình thái bên ngoài. 
  • Chế độ dinh dưỡng:
    • Chế độ bón phân và chăm sóc ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và sức chống chịu của cây trồng. Phân bón hữu cơ hay vô cơ bón vào đất điều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đất. Sức khỏe của đất quyết định sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng cũng như sức chống chịu của chúng. Đồng thời quyết định sự phát sinh và phát triển của mầm bệnh.
    • Phân hữu cơ là kho dinh dưỡng của cây trồng và là tiêu chí đánh giá sức khỏe của đất. Đất giàu chất hữu cơ và hệ vi sinh vật có lợi phát triển mạnh mẽ là đất khỏe. Đất khỏe giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống lại các điều kiện bất lợi của môi trường. Hệ vi sinh vật có lợi phát triển giúp đối kháng các tác nhân gây hại cây trồng.
    • Lạm dụng phân bón vô cơ làm đất bị chua, thoái hóa là điều kiện để vi sinh vật có hại phát triển và gây hại cho cây trồng.
    • Bón phân không cân đối, dư thừa hay thiếu hụt cũng là nguyên nhân dẫn đến sự phát sinh mầm bệnh. Đặc biệt là dư thừa đạm, cây phát triển thân lá, thành vách tế bào mỏng, mầm bệnh dễ dàng tấn công gây hại.
  • Thành phần cơ giới và cấu trú đất:
    • Đất pha sét hay đất sét thường gây cho cây bị nghẹt rễ, bộ rễ phát triển kém, cây cằn cỗi. Đất cát có khả năng giữ nước kém, hàm lượng hữu cơ thấp, khả năng giữ chất dinh dưỡng thấp dẫn đến cây phát triển kém.
    • Đất nghèo nàn chất hữu cơ, bị chai cứng, thoái hóa là môi trường cho các mầm bệnh phát triển mạnh mẽ.
    • Đất tơi xốp, hàm lượng chất hữu cơ dồi giàu, khả năng giữ nước và thoát nước tốt là điều kiện để bộ rễ phát triển tốt, từ đó giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt và tăng khả năng chống chịu.
  • Các yếu tố hữu sinh (sinh vật, vi sinh vật, thiên địch, cỏ dại,…)
    • Một số côn trùng là tác nhân (vector) truyền bệnh, Ví dụ như bọ trĩ, rầy chổng cánh, nhện,…
    • Nhiều vi sinh vật có lợi như Trichoderma, Bacillus, Streptomyces,… có tính đối kháng với các tác nhân gây bệnh cây trồng và giúp cây trồng tăng khả năng chống chịu.
    • Cỏ dại giúp cho cây trồng giữ ẩm, điều hòa nhiệt độ vùng rễ, cung cấp 1 lượng vật chất hữu cơ sau khi cắt. Đồng thời, cỏ dại cũng là cây ký chủ của một số bệnh cây trồng.

Soilbiology2
Vậy làm sao để hạn chế việc phát sinh bệnh trên cây trồng?
Chúng ta hãy nhìn vào nguyên nhân phát sinh bệnh để có cách giải quyết. Các nguyên nhân phát sinh tác động qua lại với nhau, nhưng quan trọng nhất là yếu tố môi trường, đặc biệt là môi trường đất. Đất là nơi bộ rễ cây trồng phát triển, là nơi cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Môi trường đất là môi trường sống của hầu hết các vi sinh vật có lợi và có hại đối với cây trồng. Vì vậy, tạo cho cây trồng một môi trường phát triển tốt là có thể giải quyết được 1 điều kiện được xem là đáng ngại nhất.
Trong quá trình canh tác ta cần:

  • Bổ sung hoàn trả đầy đủ chất hữu cơ lại cho đất. Hàm lượng chất hữu cơ là yếu tố đánh giá sức khỏe của đất là kho dinh dưỡng của cây trồng. Đất có hàm lượng hữu cơ dồi dào sẽ giúp đất tăng độ xốp; tăng khả năng giữ nước vào mùa khô và thoát nước vào mùa mưa; tăng khả năng trao đổi cation (CEC) giúp đất giữ dinh dưỡng tốt hơn; tăng tính đệm của đất giúp hạn chế thay đổi độ pH đất đột ngột; hệ vi sinh vật có lợi phát triển mạnh mẽ giúp đối kháng lại mầm bệnh cây trồng. Cây trồng trên nền đất khỏe thì cây sẽ sinh trưởng, phát triển tốt và có sức đề kháng cao.
  • Không lạm dụng phân thuốc hóa học, nếu lạm dụng quá mức đất sẽ mất dần chất hữu cơ, đất thoái hóa, chai cứng; dinh dưỡng bị chuyển hóa về dạng khó tiêu cây trồng không hấp thu được. Đất thoái hóa là điều kiện cho các vi sinh vật có hại phát triển gây hại cho cây trồng.
  • Cân đối dinh dưỡng tốt, tránh dư thừa dinh dưỡng.
  • Chế độ nước tưới phù hợp, đảm bảo đất đủ ẩm.
  • Sản xuất cây trồng thân thiện với môi trường, khôi phục đa dạng hệ sinh thái vốn có của tự nhiên.
Nói chung, chúng ta nên duy trì và tạo cho cây trồng có môi trường sinh trưởng tốt, đất có hàm lượng chất hữu cơ cao, cấu trúc đất thông thoáng, độ pH ổn định, chế độ tưới và dinh dưỡng cân đối là điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, tăng sức đề kháng. Và đó là điều kiện không thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh. Nguyên lý để dập dịch bệnh một cách hiệu quả và tận gốc đó là cô lập, thay đổi môi trường phát triển của chúng.
Nếu đất đã bị thoái hóa và bị ngộ độc thì cần có biện pháp phù hợp để cải tạo, phục hồi và hoàn nguyên lại đất. Cùng tham khảo chất cải tạo đất SHOHA SOIL để có giải pháp cải tạo tốt cho đất trồng của mình nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *