Bón phân cho đất hay bón phân cho cây?

Chắc hẳn rằng khái niệm bón phân cho cây” đa số trong chúng ta cũng đều biết đến. Những câu hỏi được đặt ra chẳng hạn như bón loại phân gì cho cây nhanh tốt? Bón loại phân gì cho rễ phát triển mạnh? Bón loại phân gì cho cây ra hoa, đậu trái nhiều? Bón loại phân gì cho trái to? Bón loại phân gì cho trái ngọt?… và còn rất nhiều câu hỏi về việc bón loại phân gì để cho cây sinh trưởng, phát triển, cho năng suất và chất lượng theo ý muốn của người canh tác.

Đó là bón phân cho cây, vậy bón phân cho đất” đã có ai biết và quan tâm đến khái niệm này?

Có vẻ khái niệm bón phân cho đất” đã dần bị quên lãng đi bởi lẻ khi các loại phân hóa học được tạo ra, chúng giúp cho cây trồng sinh trưởng phát triển quá nhanh, đáp ứng được cái mong muốn tức thời của người nông dân. Cho nên chúng ta đã dần quên đi đất chính là gốc của nền nông nghiệp và không còn tôn trọng đất, luôn cho rằng đất là phương tiện để canh tác, vắt cạn kiệt “sự sống” của đất.

“ĐẤT LÀ MẸ, CÂY LÀ CON”

Img 1

Hãy liên tưởng với chúng ta, khi bà mẹ không khỏe mạnh thì trong giai đoạn thai kỳ sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe từ đó dẫn đến thai nhi sẽ không được khỏe mạnh thậm chí là sảy thai. Nếu được sinh ra thì đứa bé đó sẽ gặp phải nhiều bệnh lý, chậm lớn và có thể sẽ không thông minh bằng những đứa trẻ được sinh ra bởi bà mẹ khỏe mạnh. Đối với cây trồng cũng tương tự như vậy, chắc hẳn những ai làm nông nghiệp cũng đã biết khi cây được trồng trên một nền đất tốt thì cây trồng luôn sinh trưởng, phát triển tốt cho năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, cây còn có khả năng chống chịu tốt, chống lại sâu bệnh gây hại và các điều kiện bất lợi của môi trường. Khi canh tác cũng không cần phải chăm sóc quá kỹ lưỡng, nhưng vẫn đạt được năng suất nhất định.

Hãy gợi nhớ lại thời nền nông nghiệp bắt đầu hình thành và kiểu sống du canh du cư. Nông dân tự phát hoang để làm nông nghiệp, lúc đó cây trồng chỉ cần tưới nước đầy đủ cũng có thể sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất mà không cần phải bón thêm bất cứ loại phân nào. Vì cơ bản, đất chưa qua canh tác thì chất hữu cơ được tích lũy từ rất lâu và các chất dinh dưỡng được biến đổi trong quá trình phân hủy còn dồi dào, cung cấp đầy đủ cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Hệ vi sinh vật đất rất đa dạng và phong phú, chúng có vai trò rất quan trọng trong việc phân hủy các chất hữu cơ, chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong đất thành chất dễ tiêu cho cây trồng. Chất hữu cơ trong đất là kho dự trữ dinh dưỡng của cây trồng, chính chất hữu cơ thể hiện được tình trạng “sức khỏe” của đất. Bên cạnh đó, hệ vi sinh vật đất cũng là tiêu chí đánh giá tình trạng “sức khỏe” đất.

Thời phân bón hóa học chưa được tạo ra hay chưa được áp dụng rộng rãi, trong quá trình canh tác nông dân trồng trên mảnh đất đó một vài vụ đến khi đất không còn tốt thì di cư đi nơi khác tìm vùng đất mới tốt hơn để canh tác, vô tình như thế đã giúp cho vùng đất tự phục hồi theo thời gian. Hoặc họ sử dụng phân chuồng trong chăn nuôi hay phân xanh từ xác bả thực vật để bổ sung lại cho đất, cung cấp lại cho đất lượng chất hữu cơ, chất dinh dưỡng bị lấy đi. Trong canh tác nông nghiệp sau khi thu hoạch, cây trồng đã lấy đi một lượng dinh dưỡng từ đất rất lớn. Nếu đất không được bồi dưỡng thì sẽ dần bị cằn cõi, thoái hóa.

Trong canh tác thuận tự nhiên hay canh tác hữu cơ việc trả lại cho đất phần chất hữu cơ bị mất đi là công việc rất quan trọng. Chất hữu cơ là nguồn thức ăn chính của hệ sinh vật, vi sinh vật đất. Để có được nguồn dinh dưỡng khoáng dễ tiêu cho cây trồng cần trải qua quá trình phân hủy, chuyển hóa nhờ vào hoạt động của hệ vi sinh vật có lợi và quá trình này cần có thời gian. Khi đất có nguồn thức ăn dồi dào (chất hữu cơ), không bị nhiễm chất độc hại thì hệ vi sinh vật có lợi phát triển giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển hóa chất hữu cơ, đối kháng với các mầm bệnh thực vật và giúp cho cây trồng tăng khả năng đề kháng với sâu bệnh hại.

Steven Weeks Dupfowqi6oi Unsplash

Sau khi phân hóa học được tạo ra, bản chất của loại phân này khi bón vào đất các chất dinh dưỡng trong phân dạng ion và dễ tiêu nên cây trồng có thể hấp thụ ngay lập tức, nên từ đây mới xuất hiện khái niệm bón phân cho cây. Chính vì tác dụng “thần kỳ” này mà nông dân dần dần lãng quên đi việc bón phân cho đất, bổ sung chất hữu cơ trả lại cho đất, cải tạo đất như canh tác trước đó. Bản thân phân hóa học không xấu, nhưng chính sự lạm dụng phân hóa học trong canh tác mới chính là chủ đề nói đến trong bài viết này. Lạm dụng phân hóa học để lại hệ lụy rất lớn đối với đất, môi trường, cây trồng, sức khỏe con người. Lạm dụng phân hóa học thời gian dài đất bị thoái hóa, chai cứng, hàm lượng chất hữu cơ dần cạn kiệt, độ pH đất giảm sâu, các chất dinh dưỡng trong đất bị chuyển về dạng khó tiêu cây trồng không hấp thu được. Lượng phân hóa học bón vào đất càng ngày càng tăng lên nhưng hiệu quả thì càng ngày càng sụt giảm. Hệ vi sinh vật có lợi mất dần thay vào đó là sự phát triển mạnh mẽ của hệ vi sinh vật có hại. Cây trồng sinh trưởng cằn cõi do đất bị chai cứng, hệ rễ kém phát triển, khả năng chống chịu kém, năng suất và chất lượng sụt giảm. Lượng phân bón dư thừa chảy vào kênh, rạch, sông, suối, nước ngầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Soils

Đất nghèo nàn chất hữu cơ (bên trái) và đất có nguồn hữu cơ dồi dào (bên phải)

Một khi đất “bị chết” thì tất cả các tính chất lý, hóa tính, sinh học của đất bị suy giảm. Để phục hồi lại “sức khỏe” của đất ta phải “trả lại” phần chất hữu cơ bị mất đi do quá trình canh tác lâu dài, “sức khỏe” đất sẽ dần hồi phục và tạo nền tảng cho bộ rễ cây phát triển khỏe mạnh, hệ sinh vật và vi sinh vật đất “hồi sinh” trả lại.

Với dân số trên thế giới như hiện tại, nếu nền nông nghiệp canh tác theo hướng Nông nghiệp thuận tự nhiên, Nông nghiệp vườn rừng,… thì có thể sẽ không đáp ứng đủ được lượng lương thực, thực phẩm to lớn mà nhân loại cần và đặc biệt là vấn đề kinh tế của nông hộ. Vì vậy, cần có biện pháp canh tác kết hợp phù hợp để cây trồng đạt được năng suất, chất lượng cao, có hiệu quả kinh tế tốt, nhưng vẫn đảm bảo “sức khỏe” của đất, “tôn trọng” đất và bảo tồn đất.

Hãy đối xử một cách công bằng với thế hệ mai sau. Thế hệ trước vắt kiệt “sức sống” của tự nhiên, để người nhận lấy hậu quả tồi tệ đó chính là thế hệ tương lai.

HÃY YÊU THƯƠNG, TÔN TRỌNG ĐẤT NHƯ  CÁCH MÀ TA YÊU THƯƠNG VÀ TÔN TRỌNG NGƯỜI MẸ CỦA MÌNH.

CHỈ CÓ TÔN TRỌNG TỰ NHIÊN THÌ CON NGƯỜI MỚI CÓ THỂ SINH SỐNG VÀ TỒN TẠI LÂU DÀI.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *