Sầu riêng rụng trái non và biện pháp hạn chế

Hiện tượng sầu riêng rụng trái non xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể là do rụng sinh lý, cây thiếu dinh dưỡng, cây ra đọt non mạnh khi trái còn nhỏ, sốc nước, thời tiết bất lợi, côn trùng nấm bệnh tấn công,…
Nhà vườn cần chú trọng việc chăm sóc và áp dụng các biện pháp hợp lý để giúp cây phát triển tốt, hạn chế rụng trái non, có một mùa vụ chất lượng.
1. Nguyên nhân gây rụng trái non sầu riêng
1.1. Rụng trái sinh lý
Tất cả các loại cây ăn trái nói chung và cây sầu riêng nói riêng đều xảy ra hiện tượng rụng trái sinh lý. Khi cây có lượng trái non đậu quá nhiều, vượt quá khả năng nuôi dưỡng của cây thì nó sẽ tự động xả bớt một lượng trái nhất định để đảm bảo sức khỏe của mình.
Đây là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên và không ảnh hưởng nhiều đến năng suất của cây.
1.2. Rụng do cây đi đọt mạnh lúc trái nhỏ
Nếu trong thời gian cây bắt đầu xổ nhụy cho đến khi trái non lớn hơn quả trứng ngỗng, cây ra đọt lá non mạnh ở ngoài đầu cành sẽ khiến trái non rụng rất nhiều.  Bởi khi cây ra đọt non mới, cây sẽ ưu tiên dinh dưỡng nuôi đọt trước, nuôi trái sau dẫn đến trái non thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng và rụng hàng loạt.
Đây là vấn đề mà rất nhiều nhà vườn canh tác sầu riêng gặp phải.
1.3. Rụng trái do cây thiếu hoặc mất cân đối dinh dưỡng
Giai đoạn cây mang trái cần một lượng dinh dưỡng rất lớn, nếu cây thiếu hụt dinh dưỡng, cây sẽ bị đuối sức, không đủ sức để nuôi trái và trái sẽ rụng khi không được cung cấp dinh dưỡng kịp thời.
Bên cạnh đó, có thể cây được bổ sung dinh dưỡng nhưng lại không cân đối. Dư thừa nhiều dinh dưỡng đa lượng, ít dinh dưỡng trung, vi lượng cũng khiến trái phát triển không đồng đều và dễ rụng.
1.4. Rụng trái do sốc nước
Rất nhiều nhà mắc phải sai lầm trong giai đoạn nuôi trái non sầu riêng là để cây bị khô hạn quá lâu sau đó tưới nước đột ngột khiến cây bị sốc nước hoặc trong giai đoạn này lại gặp phải những cơn mưa đột ngột khiến cây bị sốc, rối loạn dẫn đến rụng trái.
1.5. Rụng do côn trùng, nấm bệnh tấn công
Giai đoạn ra hoa và quả non là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm, côn trùng và nấm bệnh thường tấn công mạnh vào giai đoạn này. Nhiều loại côn trùng như rệp sáp, rầy phấn, sâu đục quả, nhện đỏ,… hoặc bệnh do nấm thán thư, thối trái, Phytophthora,…
1.6. Rụng do điều kiện thời tiết bất lợi
Trong giai đoạn đầu nuôi trái, nếu gặp điều kiện thời tiết bất lợi như mưa kéo dài hoặc nhiệt độ quá cao cũng làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây và dễ khiến trái non rụng.
2. Các biện pháp hạn chế tình trạng rụng trái non
2.1. Đối với hiện tượng rụng trái sinh lý
Vì đây là hiện tượng tự nhiên theo sinh lý của cây nên nhà vườn chỉ cần chăm sóc cây thật khỏe, bổ sung đầy đủ và cân đối dinh dưỡng, căn cứ theo độ tuổi và tình trạng của cây để giữ lại lượng hoa, trái non phù hợp, tránh tình trạng để quá nhiều khiến cây bị suy.
2.2. Đối với tình trạng cây đi đọt non
Theo sinh lý tự nhiên của cây sầu riêng, khoảng 3 – 4 tháng cây sẽ ra đọt non 1 lần và giai đoạn cây ra đọt non thường trùng với giai đoạn cây xổ nhụy và đậu trái non.
Để có thể vừa nuôi dưỡng được trái non và đọt non cùng lúc thì cây trồng phải thật sự khỏe và có nguồn dinh dưỡng lớn. Nhưng trên thực tế, rất ít cây có thể đáp ứng được nên luôn xảy ra tình trạng rụng trái hàng loạt khi cây ra đọt non vì thiếu dinh dưỡng.
Một số nhà vườn khi gặp tình trạng cây ra đọt vào giai đoạn đậu trái đã áp dụng các biện pháp chặn hãm đọt (Bổ sung lượng lớn dinh dưỡng hoặc các hoạt chất ức chế sinh trưởng). Tuy nhiên các biện pháp này lại đi ngược lại với quy luật sinh trưởng của cây, nếu áp dụng liên tục sẽ làm cây bị rối loạn, nhanh suy yếu.
Vậy nên trong kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng, cần ưu tiên thuận theo quy luật sinh trưởng của cây để cây phát triển tốt, bền vững và cho trái chất lượng.
Biện pháp cụ thể
Để cây có thể ra đọt và lá chuyển lụa trước thời điểm cây xổ nhụy, đậu trái thì trong khoảng thời gian cây ra mắt cua đến trước khi cây xổ nhụy (khoảng 58 ngày) cần kích cho cây ra đọt nhanh chóng.
Sau khi mắt cua đã ra sáng rõ thì tiến hành bổ sung dinh dưỡng cho cây với hàm lượng đạm cao và amino acid cùng với các chất trung vi lượng để đọt non ra đều và khỏe.
Trong giai đoạn này tuyệt đối không được để cây thiếu nước.
Khi đọt non đã ra đều, lá đã chuyển sang bánh tẻ thì không còn lo rụng trái.
Trường hợp cây đã đi đọt cùng lúc và trái non đã bắt đầu rụng thì cũng không nên quá hoang mang và áp dụng các biện pháp như cắt nước, cắt dinh dưỡng và phun chặn đọt. Thay vào đó, khi trái non có dấu hiệu rụng, nhà vườn cần duy trì việc bổ sung dinh dưỡng và nước đều đặn cho cây thông qua bón gốc và phun qua lá. Tăng cường lượng amino acid và các dinh dưỡng trung lượng như Canxi, Bo.
Chỉ khi cây khỏe, dinh dưỡng đủ thì cây mới đủ điều kiện để vừa nuôi trái vừa nuôi lá. Sau ít ngày, lượng trái rụng sẽ giảm dần.
2.3. Đối với trường hợp cây thiếu và mất cân đối dinh dưỡng
Nhà vườn cần chú ý chăm sóc cây thật tốt từ sau khi thu hoạch vụ trước đến xuyên suốt quá trình cây ra hoa, nuôi quả.
Trong suốt quá trình này, luôn cung cấp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây bao gồm cả đa, trung và vi lượng.
Bên cạnh đó cần chú trọng việc chăm sóc bộ rễ của cây, bởi rễ có khỏe thì mới hấp thu được nhiều dinh dưỡng để nuôi cây nuôi quả.
Đồng thời cần kiểm tra độ pH đất thường xuyên để duy trì độ pH đất luôn ở trong khoảng từ 6 – 6,5. Không để pH đất xuống quá thấp khiến cây không hấp thu được dinh dưỡng.
2.4. Đối với trường hợp cây sốc nước
Trong quy trình làm hoa nuôi trái sầu riêng, chỉ nên cắt nước hoàn toàn tạo khô hạn cho cây trong khoảng 25 – 28 ngày. Đến giai đoạn cây đã nhú mắt cua sáng rõ thì cần bổ sung nước cho cây với lượng vừa phải và đều đặn. Từ giai đoạn này về sau phải luôn duy trì độ ẩm cho cây ở mức 60 – 70%. Tuyệt đối không để cây thiếu nước quá lâu rồi bổ sung đột ngột với lượng lớn.
Khi độ ẩm của đất luôn được duy trì thì cây vừa phát triển ổn định, vừa hấp thu dinh dưỡng tốt vừa không sợ gặp mưa đột ngột gây sốc.
Trong vườn cần giữ cỏ để giúp giữ ẩm trong mùa khô và giúp thoát nước tốt trong mùa mưa.
2.5. Đối với trường hợp côn trùng nấm bệnh tấn công
Trước giai đoạn cây xổ nhụy cần phun phòng côn trùng và nấm cho cây và sau khi trái non đậu trái non cần phun lại. Sử dụng các chế phẩm vi sinh để thay thế cho các hoạt chất hóa để tránh làm nóng làm hỏng hoa và ảnh hưởng đến trái non.
Ngoài các biện pháp chăm sóc trên, nhà vườn cần chú ý đến việc tỉa bông và trái non. Tránh để quá nhiều bông và trái khiến cây không đủ lực để nuôi.
Nguồn: nongnghiepthuanthien.vn