Tầm quan trọng của độ pH đất

Phản ứng của đất là yếu tố rất dễ thay đổi nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến tất cả tính chất của đất, từ các tính chất hóa học, lý học đến sinh học. Phản ứng của đất được diễn tả bằng độ pH, pH là yếu tố kiểm soát khả năng hữu dụng của các chất dinh dưỡng đối với sự hấp thu của thực vật và các hoạt động vi sinh vật trong đất. pH đất còn ảnh hưởng đến thảm thực vật tự nhiên cũng như năng suất cây trồng. Ngoài ra pH cũng ảnh hưởng đến sự ô nhiễm của đất do khả năng kiểm soát sự phân giải và di chuyển của các chất ô nhiễm vào nước ngầm và nguồn nước.
Độ pH ảnh hưởng đến mật độ và tính đa dạng của vi sinh vật trong đất, cho nên pH ảnh hưởng đến tốc độ phân giải chất hữu cơ, đồng thời ảnh hưởng đến sự hình thành và tính bền vững của cấu trúc đất, khả năng giữ nước của đất.
Các hoạt động của con người có thể làm ảnh hưởng đến pH của đất. Ví dụ như bón phân hóa học, chất thải hữu cơ, acid vô cơ…sẽ làm giảm pH, ngược lại khi bón vôi các hợp chất kiềm sẽ làm tăng pH đất.
Khí hậu có ảnh hưởng làm thay đổi pH đất. Vùng mưa nhiều đất thường bị hóa chua do mất dần các cation base, ngược lại vùng ít mưa pH có xu hướng tăng dần theo thời gian.
➤ Phân loại các loại đất theo độ pH:
– Đất rất chua: pH < 5,0
– Đất chua nhẹ: pH từ 5,0 – 6,5
– Đất trung tính: pH từ 6,8 – 7,0
– Đất kiềm: pH > 7,0
Thang Do Ph Dat 02 (2)
Hình 1: Thang đánh giá độ pH
Nguồn: Internet
➤ Sự biến động của pH đất:
– Sự thay đổi pH trong tự nhiên: Quá trình phong hóa tự nhiên và sự phân giải chất hữu cơ sẽ hình thành nên các nguyên tố hóa học mang tính chua hoặc kiềm.
– Sự thay đổi pH do các hoạt động của con người:
  • Sử dụng phân bón hóa học chua: nhất là khi sử dụng các loại phân ammonium như phân (NH4)2SO4 và DAP [(NH4)2HPO4.
  • Kỹ thuật làm đất: các kỹ thuật làm đất có ảnh hưởng nhất định đến pH lớp đất cày do ảnh hưởng tốc độ phân giải các dư thừa hữu cơ.
  •  Ảnh hưởng của các chất thải chất hữu cơ: các chất thải chất hữu cơ như rác thành phố, chất thải công, nông nghiệp có thể làm giảm pH đất nông và lâm nghiệp. Các chất thải này có thể giải phóng rất nhiều acid hữu cơ và vô cơ trong quá trình phân giải. 
  • Ảnh hưởng của kỹ thuật tưới: các vùng khô hạn khi sử dụng nước tưới nhiễm mặn, có thể làm gia tăng sự tích lũy muối trong đất, pH sẽ tăng.
  • Ảnh hưởng của việc tiêu nước các vùng đất ngập nước ven biển: nhất là các vùng đất phèn, đất có chứa một lượng khoáng pyrite (FeS2), sulfide sắt (FeS) và S nguyên tố rất lớn. Khi tiêu nước do sự hoạt động của vi sinh vật khử sufate, FeS, S bị oxi hóa, cuối cùng hình thành axit sulfuric (H2SO4). Quá trình này hình thành nên loại đất đặc trưng được gọi là đất phèn.

– Ảnh hưởng do mưa axit

➤ ẢNH HƯỞNG CỦA pH ĐẾN CÁC TÍNH CHẤT CỦA ĐẤT
pH của dung dịch có ảnh hưởng rất lớn đến các tính chất hóa học và sinh học của đất.
– Ảnh hưởng của pH đến khả năng hữu dụng của các chất dinh dưỡng và sự hoạt động của vi sinh vật: 
  • pH có tương quan rất chặt đến khả năng hữu dụng của hầu hết các chất dinh dưỡng cũng như hoạt động của vi sinh vật trong đất. Các nguyên tố dinh dưỡng đa lượng như Ca, Mg, K, P, N, S cũng như các nguyên tố vi lượng như Mo, B sẽ kém hữu dụng trong điều kiện đất quá chua. Ngược lại, khả năng hòa tan của các cation vi lượng khác như Fe, Mn, Zn, Cu và Co sẽ gia tăng trong điều kiện pH thấp, có thể gây ngộ độc cho thực vật và vi sinh vật.
  • pH kiềm nhẹ sẽ làm tăng khả năng hữu dụng của Mo và tất cả các nguyên tố đa lượng (trừ P), nhưng sẽ làm giảm khả năng hữu dụng của các nguyên tố vi lượng khác. P và B giảm khả năng hữu dụng trong đất kiềm. pH trong khoảng 5,5 – 6,5 có thể ảnh hưởng tốt nhất đến khả năng hữu dụng của tất cả các nguyên tố dinh dưỡng trong đất.

Ph

Hình 2: Quan hệ giữa pH đất và khả năng hòa tan các nguyên tố khoáng

Nguồn: Internet

Nhìn vào biểu đồ hình 2 cho thấy các nguyên tố dinh dưỡng khoáng sẽ có độ hữu dụng (hữu hiệu) khác nhau ở mức pH khác nhau. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thu của cây trồng. Vì vậy, trong canh tác cần chú trọng đến việc giữ ổn định độ pH đất để nâng cao khả năng sử dụng dinh dưỡng đầu vào.
– Ảnh hưởng của pH đến thực vật bậc cao: 
  • Khả năng thích ứng và chống chịu của thực vật đối với đất chua rất khác nhau. Đa số các loài cây phát triển kém trên đất chua, chủ yếu là do ảnh hưởng độc của hàm lượng Nhôm (Al) hòa tan cao. Phần lớn các loại đất có khả năng sản xuất cao, thường có pH gần trung tính, không quá chua cũng không quá kiềm. 
– Ảnh hưởng của pH đất đến chất lượng môi trường: 
  • Ảnh hưởng quan trọng nhất của pH đến môi trường là ảnh hưởng của pH đến mức độ ô nhiễm nước ngầm do thuốc diệt cỏ có gốc hóa học như –NH2 và –COOH trên một số phân tử thuốc diệt cỏ phản ứng với keo đất. Các phản ứng này có thể giữ chặt các phân tử thuốc trên chất hữu cơ hay trên các keo sét trong đất. Chính sự hấp phụ này sẽ giảm thiểu sự di chuyển của các hóa chất bảo vệ thực vật vào nước ngầm.

Nguồn: Giáo trình Khoa học đất

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *