Sầu riêng là một trong những cây ăn quả được yêu thích ở nhiều nước Đông Nam Á cho lợi ích kinh tế cao. Nguồn lợi mà cây sầu riêng đem lại cho các nhà vườn là rất lớn. Tuy nhiên, ở bất cứ đâu, hễ có cây sầu riêng thì bệnh thối thân xì mủ đều xuất hiện và gây hại. Những nhà vườn chưa biết hoặc chưa quan tâm đến loại bệnh hại này thì vườn thường bị thiệt hại nặng nề.
Nguyên nhân gây nên bệnh xì mủ trên cây sầu riêng
Về sinh học: Bệnh xì mủ trên cây sầu riêng do nấm Phytophthora palmivora gây ra. Bệnh này được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau tùy thuộc vào cơ quan thực vật bị ảnh hưởng. Đây là bệnh đáng sợ nhất ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cây sầu riêng trong các giai đoạn phát triển. Nó là nguyên nhân chính gây ra cái chết của nhiều cây sầu riêng.
-
Trong điều kiện trồng mật độ cao dẫn đến bệnh dễ lây lan giữa các cây và cạnh tranh dinh dưỡng
-
Đào hố trồng thấp nên gốc luôn bị ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển
-
Bón phân thừa đạm, cây quá xanh tốt, xum xuê, cành thấp chạm đất dẫn đến nấm bệnh dễ lây từ đất lên cành lá
-
Kỹ thuật canh tác dẫn đến độ pH của đất quá thấp là môi trường lý tưởng cho nấm phát triển
Triệu chứng bệnh do nấm phytophthora
-
Ở rễ: phytophthora tác động đến rễ gây thối rễ dẫn tới sự suy yếu của cây và cuối cùng gây chết cây.
- Ở thân: gây xì mủ ở thân cây, vỏ cây bị biến dạng. Vết bệnh có thể ở trên thân chính hoặc cành. Khi bệnh nặng thì thấy vỏ cây bị thâm và khô đi, vỏ cây có thể bị nứt. Vết bệnh lan rộng dần theo chiều ngang và dọc, cây sinh trưởng và phát triển kém dần. Nếu vết bệnh phát triển rộng, ôm hết chu vi phần vỏ cây ở gốc hoặc ở cành thì cả cây hoặc cành đó sẽ bị chết.
-
Ở trái: nhiễm ở cả trái cây chưa trưởng thành và trưởng thành, bệnh làm vỏ quả thối nâu. Trong điều kiện vườn rậm rạp và ẩm thấp thì có thể thấy vết bệnh được phủ bởi một lớp nấm trắng. Cuối cùng làm trái hư thối.
Những biện pháp phòng trừ có hiệu quả cao
- Nguyên tắc là áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp có thể áp dụng được
- Trồng cây với mật độ thích hợp tùy giống
- Điều chỉnh pH của đất về trung tính (6.5 – 7.0)
- Làm luống theo hướng Đông Tây để mỗi cây có thể nhận được ánh nắng suốt ngày
- Không trồng sâu, ở những vùng đất thấp như miền Tây nên tạo luống để trồng, đắp cao gốc để đảm bảo gốc rễ được khô ráo sau mưa hay tưới.
- Không tủ kín gốc trong mùa mưa và cần có hệ thống thoát nước thật tốt
- Cắt những cành quét đất (sẽ bị xây xát khi có gió và dễ bị nhiễm bệnh), tỉa những cành sâu bệnh trong mùa mưa để vườn được thông thoáng
- Bón phân hữu cơ hoai mục và được ủ với nấm đối kháng
- Bón phân cân đối và đầy đủ, không được dư đạm
- Kiểm tra vườn cây thường xuyên để phát hiện cây bị bệnh nhằm cứu chữa kịp thời