Từ lâu giun đất (hay còn gọi là trùng đất) được xem như là người bạn của nhà nông, góp phần to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và cải tạo môi trường đất, giun đất còn là chìa khóa vạn năng để mở những kho tàng dinh dưỡng bên dưới lòng đất. Sự có mặt của giun đất là dấu hiệu đầu tiên để nhận biết chất lượng của đất có sạch, khỏe và phì nhiêu hay không. Mật độ giun đất còn biểu hiện hoạt động của sinh vật, vi sinh vật có lợi cho cây trồng như vi khuẩn và nấm đối kháng…trong đất.
Giun đất có lợi ích gì trong hoạt động sản xuất nông nghiệp?
Dấu hiệu của những vùng đất màu mỡ
Khi ta thấy sự hiện diện của giun trong đất, đó là dấu hiệu cho thấy đất canh tác sạch, khỏe và phì nhiêu. Đối với loại đất màu mỡ, số lượng giun dao động tầm 300-500 con/m2. Càng có nhiều giun nghĩa là chất lượng đất tại khu vực đó rất tốt.
Giun đất là dấu hiệu của những vùng đất màu mỡ. Nguồn: Internet
Ngoài ra, mật độ giun trong đất lớn còn ngầm hiển thị các hoạt động sống tự nhiên của các sinh vật như vi khuẩn, vi nấm,… Hệ sinh vật đất giúp phân hủy chất hữu cơ làm đất giàu dinh dưỡng.
Giun còn làm đất tơi xốp, thoáng khí nên tác động trực tiếp đến sự phát triển của cây trồng, cấu trúc đất và chu trình cacbon.
Kiến tạo lớp đất – cải thiện khả năng cung cấp dinh dưỡng
Giun đất ăn những mảnh vụn hữu cơ mục nát như xác bã thực vật, cỏ khô, lá khô.. nên phân của chúng có hàm lượng dinh dưỡng rất lớn. Phân giun cung cấp lượng mùn, các muối canxi và kali dễ tiêu cho cây trồng. Góp phần chuyển đổi môi trường đất chua, kiềm hoặc mặn về môi trường trung tính, cân bằng độ pH đất thích hợp cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.
Với việc nghiền nát chất hữu cơ, và việc tăng độ tơi xốp và gắn kết của đất, giun đất có thể tăng đáng kể khả năng giữ nước của đất.
Khi giun di chuyển và đào hang sẽ tạo thành những khe hở trong đất, làm đất được tươi xốp, thoáng, không bị ứ nước, không khí trong đất được lưu thông hỗ trợ cây trồng tiếp nhận oxi và quá trình hô hấp diễn ra thuận lợi.
Mô phỏng đường đi của giun đất. Nguồn: Internet
Khi giun chết, xác chúng phân hủy và tạo ra lượng Nitơ cho đất hấp thụ. Phân và xác giun khi kết hợp với hạt đất có thể làm tái tạo keo đất, giữ độ ẩm đất.
Điều tiết sự phát triển của sâu bệnh, nấm mốc
Giun còn có khả năng hỗ trợ tiêu diệt những vi khuẩn, nấm bệnh có hại cho đất, gây bệnh trên cây trồng, vì khi chúng ăn lá cây sẽ đồng thời tiêu hóa luôn những nấm mốc, vi khuẩn có hại, phân của chúng là môi trường tốt nhất để các loại vi sinh vật hữu ích phát triển.
Kích thích hoạt động của vi sinh vật
Trong phân của giun (đầu ra) có nhiều vi sinh vật hơn trong chất hữu cơ mà chúng ăn (đầu vào). Khi chất hữu cơ đi qua hệ tiêu hóa của chúng, nó được nghiền ra và được trộn với các vi sinh vật. Hoạt động của vi sinh vật gia tăng giúp đẩy mạnh việc tái tạo dinh dưỡng từ chất hữu cơ và sự chuyển đổi của chúng sang các dạng cây trồng có thể hấp thụ ngay.
Nhờ khả năng di chuyển được trong đất nên đất được thoáng khí. Từ đó, những vi sinh trong đất sẽ phát triển mạnh và tạo cho đất một môi trường tương tác sinh học cao qua đó tiết chế được tác động xấu từ sâu bệnh hại sinh sống trong đất gây nên.
Làm thế nào để duy trì và phát triển giun đất?
Canh tác theo hướng hữu cơ sinh học: Giun rất sợ thuốc bảo vệ thực vật, khi các hóa chất này ngấm vào đất sẽ đồng thời làm giun nhiễm độc mà chết. Do đó cũng cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV, có thể thay thế bằng các loại thuốc sinh học, không gây hại đến giun, hệ sinh vật đất và bảo đảm luôn cả sức khỏe con người.
Thay thế thuốc bảo vệ thực vật bằng các loại thuốc sinh học không ảnh hưởng đến giun. Nguồn: Internet
Tạo thảm cỏ nền, duy trì cây bụi thấp: Điều mà loài giun cần là cung cấp đủ cho chúng lượng sinh khối, nhiệt độ vừa phải và đủ ẩm. Do đó cần có 1 lớp thảm che phủ đất bằng các vật liệu che phủ hữu cơ hoặc trồng cây che phủ để tạo một lớp thảm thực vật, đồng thời cung cấp nguồn thức ăn cho giun đất (thông qua việc cắt tỉa cỏ xác cây chết để lại).
Tạo thảm cỏ nền, duy trì cây bụi thấp để cung cấp thức ăn và duy trì môi trường sống cho giun. Nguồn: Internet
Duy trì chỉ số pH đất ở mức trung tính: Giun đất không thích các loại đất chua có pH dưới 4,5. Việc sử dụng Chất cải tạo đất SEA giúp điều chỉnh pH về trung tính tạo điều kiện thuận lợi cho giun đất phát triển. Nghiên cứu ở miền Nam nước Úc cho thấy số lượng giun đất tăng gấp đôi khi Ph duy trì ở mức 4,1 đến 6,7.
Giữ ẩm cho đất: Giun đất thường sử dụng 20% trọng lượng cơ thể mỗi ngày cho việc sản sinh chất nhầy vào phân của chúng, vì vậy chúng cần lượng nước nhất định để sống. Các phế phẩm hữu cơ phân hủy (mùn) giúp giữ độ ẩm trong đất rất tốt với giun đất. Vào giai đoạn khô hạn, một số loài giun đất di chuyển sâu vào đất và “ngủ đông” cho đến khi mùa mưa “kích hoạt” lại chúng.
Cải thiện hệ thống thoát nước: Giun đất cần đất trồng tương đối thông thoáng, do đó bạn cần đảm bảo rằng đất trồng của bạn có khả năng thoát nước hoặc nằm ở vị trí cao để tránh tình trạng ngập úng, sẽ khiến giun chết hoặc bỏ đi nơi khác.
Giảm độ nén của đất: Khi đất bị nén chặt sẽ làm giun đất khó di chuyển, để tạo thuận lợi cho chúng bạn cần hạn chế việc sử dụng các phương tiện cơ giới trong khu vườn của bạn.
Cần nên hạn chế tối đa cày xới đất thường xuyên: Vì điều đó sẽ làm động đến môi trường sống của chúng, làm rối loạn sinh hoạt của các loài sinh sống trong đất cũng như làm giảm số lượng giun.